Thứ sáu, 06/12/2024 02439448033 VN | EN

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

CỤC PHÁT THANH, TRUYỀN HÌNH VÀ THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

Thứ sáu, 06/12/2024 Văn bản QPPL

Thứ bảy, 17/07/2021

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (lần 2) - Bài 8: Dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động: Gộp quy trình đăng ký về một đầu mối

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (lần 2)

Những quy định mới

Ngày 5/7/2021, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến (lần 2). Sau thời gian tiếp thu ý kiến đóng góp và chỉnh sửa, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP có  nhiều điểm mới và so với dự thảo lần 1, dự thảo lần 2 đã chi tiết hơn, cụ thể hơn ....

Ban biên tập sẽ lần lượt giới thiệu những điểm mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi lần này đến bạn đọc. 

Bài 8: 

Dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động: Gộp quy trình đăng ký về một đầu mối

Dự thảo Nghị định mới thống nhất một đầu mối tiếp nhận hồ sơ đăng ký Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Hiện nay, để được phép hoạt động cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động (CP) phải thực hiện 2 quy trình, thủ tục hành chính ở 2 đơn vị khác nhau trong cùng Bộ Thông tin và Truyền thông gồm: Đăng ký cấp đầu số tin nhắn ngắn tại Cục Viễn thông và đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung qua mạng viễn thông di động tại Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử;

 Việc thực hiện 2 quy trình riêng biệt này là do thuộc lĩnh vực quản lý của 2 đơn vị khác nhau. Tuy nhiên việc đăng ký cung cấp 01 dịch vụ nhưng phải xin ở 2 đơn vị khác nhau gây khó khăn, mất thời gian, công sức phải chuẩn bị 2 bộ hồ sơ khác nhau (thường sẽ yêu cầu nộp chung giấy tờ cơ bản như đăng ký kinh doanh, đề án cung cấp dịch vụ..) và không cần thiết.

Vì vậy, theo dự thảo Nghị định mới, quy trình cấp đầu số tin nhắn ngắn và quy trình cấp Giấy đăng ký dịch vụ nội dung chỉ còn một đầu mối xử lý  để doanh nghiệp được cấp cấp Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động (2 đơn vị quản lý hiện nay là Cục Viễn thông và Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ xử lý, phối hợp với nhau theo quy trình nội bộ).

Dự thảo Nghị định cũng điều chỉnh phạm vi, đối tượng cung cấp dịch vụ cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động:  Không điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động cho các dịch vụ cung cấp qua mạng Internet (qua wifi, 3G...); chỉ cấp Giấy đăng ký cho các dịch vụ cung cấp qua tin nhắn ngắn SMS, USSD (là những dịch vụ chỉ cần kết nối với mạng viễn thông là cung cấp được).

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động (CP) tự ý trừ tiền các dịch vụ nội dung mà người sử dụng không đăng ký sử dụng dịch vụ, dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về minh bạch hóa thông tin. Cụ thể:  

- Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông khi trừ tiền dịch vụ nội dung phải nhắn tin thông báo cho khách hàng;

 - Bổ sung trong Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ một số thông tin về nội dung dịch vụ.

- Bổ sung thêm trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc giám sát, phát hiện các vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông di động.

 

BBT